Con lừa của Buridan
Con lừa của Buridan

Con lừa của Buridan

Con lừa của Buridan (tiếng Anh: Buridan's ass hay Buridan's donkey) là một minh họa cho một nghịch lý trong triết học trong quan niệm về ý chí tự do. Nó mô tả một tình huống giả định, trong đó một con lừa vừa đói vừa khát được đặt chính xác giữa một đống cỏ khô và một thùng nước. Nghịch lý giả định rằng con lừa sẽ luôn đi đến chỗ nào gần hơn, vì thế nó sẽ chết vì đói và khát vì nó không thể đưa ra bất kỳ quyết định hợp lý nào giữa cỏ khô và nước.[1] Một biến thể phổ biến khác của nghịch lý này đưa ra hai đống cỏ khô giống nhau thay cho cỏ khô và nước; con lừa không thể lựa chọn giữa hai đống cỏ và chết vì đói.Nghịch lý được đặt tên theo nhà triết học người Pháp thế kỷ 14, Jean Buridan, người có triết lý ủng hộ thuyết quyết định đạo đức. Nó được đặt tên theo ông sau khi những người chỉ trích ông đưa ra khái niệm này nhằm chế giễu triết lý về ý chí tự do của ông.[2] Mặc dù minh họa này được đặt tên theo Buridan, nhưng nhiều triết gia trước đó đã thảo luận về khái niệm này, đặc biệt là Aristoteles, người đã từng đưa ra ví dụ về một người đàn ông đói và khát như nhau,[3] hay Al-Ghazali, cũng đã từng mô tả một người đàn ông khi phải đối mặt với sự lựa chọn giữa những quả chà là tốt ngang nhau.[4]Một phiên bản của tình huống này xuất hiện dưới dạng tính bất ổn định (metastability) trong điện tử kỹ thuật số, khi một mạch điện tử logic phải quyết định giữa hai trạng thái dựa trên một đầu vào chưa xác định rõ (không phải 0 cũng không phải 1). Trường hợp này có thể gây ra các vấn đề về trạng thái bất ổn định định (metastability) của mạch nếu mạch điện tử dành nhiều thời gian hơn mức cần thiết để xử lý ở trạng thái "chưa quyết định" này, thường được cài đặt theo tốc độ đồng hồ xung nhịp của hệ thống.